Tình anh chị em và tài sản thừa kế

(Nhím suy tư) Anh em một ruột rứt ra

Đừng như nước lã… Để cha mẹ buồn …!

 (Thơ Bách Tùng
)



Nhưng lại có nhiều chuyện đáng buồn, dù cha mẹ
đã khuất núi.

Hôm rồi gặp lại chị bạn đã lâu không có dịp nói
chuyện với nhau, chị kiếm tiền khá lắm, hai đứa con học hành ngoan ngoãn, một
cháu đã ra trường đi làm, vợ chồng hòa thuận hạnh phúc. Ấy mà thấy chị cứ than
ngắn thở dài rằng nhà có việc, hỏi tôi có tin vào tâm linh, duyên nghiệp nhân
quả hay không. 

Sau một lúc gạn hỏi thì chị mới đóng cửa tâm sự cho nghe. Rằng
má chồng có mảnh đất hơn 400m2, khi người chị chồng lập gia đình, đã chia đôi
cho người chị đất cất nhà và sang tên chị ấy luôn. Nửa còn lại, má chồng nói rõ
là để cho con trai, trưởng họ trưởng tộc. 

Gia đình êm ấm, hòa thuận, không ai
nghĩ đến chuyện làm di chúc hay sang tên cho anh con trai. Có đôi lúc chị lăn
tăn về chuyện này thì chồng chị gạt phắt đi, rằng “nhà nào có chuyện chứ nhà
này không thể có chuyện tranh chấp đó”. Có khi trong lòng bà con bên chồng nghe
được thể nào cũng nghĩ chị là “khác máu tanh lòng”.

Ấy nhưng mà từ khi má chồng chị nằm xuống thì bắt
đầu có chuyện! 
Theo luật thừa kế, 200m2 còn lại được chia đều cho hai anh chị
em. Ngỡ mọi chuyện đơn giản, người chị nhường cho em trai theo ước nguyện của mẹ
là được. Nhưng chị ấy tảng lờ! 

Thế là ngôi nhà mà vợ chồng chị bỏ công xây cất
và ở mấy chục năm nay bỗng dưng là nhà trên đất người khác, vì hai vợ chồng chị
không có giấy tờ sở hữu gì cả. Người chị chồng bắt đầu gây khó dễ, bít lỗ thông
gió, bịt cửa sổ, v.v. 

Chị không kể chi tiết hết mọi chuyện, nhưng tôi có thể tưởng
tượng ra, vì tình hình quan hệ giữa họ căng thẳng đến độ không thể ngồi nói
chuyện với nhau, dù nhà vẫn sát vách. Chồng chị thì rất ân hận và buồn bực phát
bệnh vì tình chị em sứt mẻ, mà mảnh đất hương hỏa thì có khi không giữ lại được.

Nói chuyện với chị xong, tôi suy nghĩ miên man,
quên cả chuyện đi mua thuốc. Chuyện tranh chấp này đúng là thấy nhiều trên mặt
báo, nhưng không ngờ người chị thân thiết của mình lại mắc phải. 

Và một cô em
trong hoàn cảnh tương tự, mà có khi còn căng thẳng hơn, vì người em được chia
tài sản ra ở riêng, nhưng vẫn luôn về nhà bố mẹ gửi con hàng ngày, các cụ vừa
phải trông nom, vừa phải lo chuyện ăn uống cho bọn trẻ. 

Vợ chồng người em vừa
không đóng góp chi tiêu, lại chê đồ ăn thức uống, đồ dùng trong nhà. 
Nhìn đã thấy
lo, nhưng chồng em ấy cứ gạt cho qua, bảo sẽ không có vấn đề gì. Liệu có đến
ngày cô em ấy lại than ngắn thở dài như thế hay không ? 

Vẫn biết tài sản thừa kế
của cha mẹ là của thơm của thảo. Các cụ cũng chỉ mong tích cóp chút tài sản cả
đời để lại cho các con, mong rằng các con đỡ vất vả cực nhọc, tình anh chị em
hòa thuận vui vầy. 

Dù đã dạy con phải tự lực tự cường, không nên trông chờ vào
tài sản thừa kế, nhưng lòng tham của con người thật vô đáy, khi đứng trước tài
sản để lại quá lớn, ai mà biết được tài sản thừa kế lại là con dao cắt đứt tình
nghĩa?


Dẫu đã có rất nhiều trường hợp anh chị em tranh
giành tài sản cha mẹ để lại, nhưng ở Việt Nam, việc viết di chúc vẫn chưa hề phổ
biến. Con cái có khi tiếp cận thông tin nhiều hơn, hiểu về sự cần thiết của di
chúc, nhưng mở lời đề nghị các cụ làm thì chắc các cụ lại nghĩ “chúng nó mong
mình chết sớm đây”! 
Hoặc các cụ có thấy sự tranh giành lên báo sờ sờ thì cũng
nghĩ kiểu như “chuyện nhà ai chứ không thể là chuyện nhà này”. Hoặc có cụ lại sợ
cho con hết tài sản thì sau này nó không chăm sóc mình chăng, thôi thì cứ nằm
xuống rồi kệ chúng bay! Nghĩ đến lại thấy các cụ nhà mình sáng suốt, làm di
chúc rõ ràng, để rõ là di chuc chỉ có hiệu lực khi chúng tôi nhắm mắt xuôi tay.

Có câu “anh em như thể tay chân”, “chị ngã em
nâng”. Nhưng chắc chỉ là được dạy từ bé, người ta quên dần khi về già. Nghĩ
tình cảnh chị bạn và cô em, thôi thì chỉ khuyên vui vẻ mà sống tiếp, chứ buồn bực
cho ốm đau làm gì. Còn sức khỏe, còn làm ra tiền, nằm xuống cũng thành cát bụi
mà thôi. 

Của thừa kế dù không đúng như được “hứa hẹn”, dù lòng hiếu thuận chăm
sóc cha mẹ lúc già yếu vẫn luôn làm tròn, thì hãy tự an ủi là việc gì cũng có
nhân quả tuần hoàn. Rút kinh nghiệm, làm di chúc rõ ràng, đỡ gây mệt mỏi xào
xáo cho lớp con cháu.

Chợt nghĩ, có khi phải thực sự làm theo Bill
Gate, chỉ để cho con một phần thừa kế nhỏ, còn lại thì đóng góp xây dựng cho
các quỹ từ thiện. Bởi muốn thế giới cùng đẹp lên, cần có sự chung tay của toàn
xã hội, không chỉ là con cái mình.

Nhím suy tư

(Hình minh họa từ internet)






Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *